Vật liệu xanh – hướng đi mới đầy tiềm năng cho ngành xây dựng
Nhiều cơ sở SX VLKN ra đời theo xu hướng phát triển tất yếu
Tuy nhiên, người tiêu dùng tại vùng Đông Nam bộ vẫn còn rất e dè với loại vật liệu mới này. Và những đơn vị tiên phong SX cũng chật vật trong việc tìm đầu ra. Mặc dù VLKN có nhiều điểm mạnh hơn so với vật liệu truyền thống như bảo vệ môi trường, cách âm, cách nhiệt, thi công nhanh, chống cháy…
Còn xa lạ
Ngôi nhà 3 tầng của anh Nguyễn Minh Tú (35 tuổi) ở phường Long Bình, TP Biên Hòa (Đồng Nai), đang trong quá trình ép cọc, làm móng. Những ngày qua, anh rảo khắp các cửa hàng bán vật liệu xây dựng (VLXD) ở TP Biên Hòa để tìm mua vật liệu cho “chốn an cư” của mình.
Tại những cửa hàng đó, có rất nhiều sự lựa chọn khiến anh băn khoăn, trong đó là câu hỏi: Nên hay không nên dùng VLKN. Cuối cùng lựa chọn của anh là gạch đỏ (gạch đất sét nung), dù được bà chủ cửa hàng giới thiệu nhiều loại gạch khác như gạch block, gạch bê tông nhẹ (gạch không nung) có chất lượng cũng không hề thua kém. Không chỉ anh Tú, phần lớn người dân ở các tỉnh Đông Nam bộ vẫn còn khá xa lạ với loại sản phẩm xanh này. Bởi đơn giản, VLKN là một khái niệm quá mới mẻ đối với họ.
Anh Trần Hữu Tín ở thị xã Thuận An (Bình Dương) chia sẻ: “Thỉnh thoảng, tôi cũng có nghe nhắc tới gạch không nung với nhiều ưu điểm như không ô nhiễm môi trường, cách âm tốt… Nghe thì nghe vậy, nhưng nói thật, nếu xây nhà, tôi vẫn mua gạch đỏ.
Bao nhiêu đời nay, ai cũng quen với loại vật liệu này và hiểu rõ tính năng, cũng như chất lượng của nó. Giờ bảo chuyển sang dùng loại khác, chắc chắn tâm lý chung là không yên tâm, vì quá mới mẻ, sợ chất lượng không đảm bảo và giá thành lại cao hơn”.
Một số nhà thầu xây dựng cũng cho hay, rất ít công trình xây dựng dân dụng được sử dụng VLKN để xây nhà. Ông Đinh Văn Tâm, một nhà thầu xây dựng ở phường Trảng Dài, TP Biên Hòa (Đồng Nai) cho biết, gần 6 năm qua, các công trình nhà ở dân dụng do ông nhận thi công rất nhiều, nhưng chưa có công trình nào sử dụng gạch bê tông nhẹ xây tường, kể cả các biệt thự. Riêng gạch block bê tông cốt liệu thì chủ yếu là nhà xưởng và tường rào của các công ty.
Theo nhiều cửa hàng bán VLXD ở các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Bình Thuận và Đồng Nai thì sản phẩm VLKN hiện nay bán chạy nhất là thạch cao để làm trần nhà, còn các sản phẩm khác như gạch block, gạch bê tông nhẹ rất khó bán.
Chị Trương Thị Tuyết Mai, nhân viên bán hàng tại cửa hàng VLXD Hoàng Long, TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) cho hay, khách vào cửa hàng rất ít người hỏi mua các loại gạch block và gạch bê tông nhẹ. Nguyên nhân là do hai loại gạch này còn lạ và giá thì cao hơn gạch đỏ.
Một công trình lớn ở Đồng Nai đang xây dựng, sử dụng VLKN
Cụ thể, một viên gạch ống 4 lỗ (loại gạch đỏ) giá 800 – 1.000 đồng, trong khi đó viên gạch cùng loại không nung, ép bằng xi măng và cát lên đến 1.400 đồng.
Hiện loại gạch này cũng chỉ được bán ở vài điểm kinh doanh VLXD tại TP Thủ Dầu Một và TP Biên Hòa. Cần “luồng gió” mới Ông Nguyễn Thanh Lâm, PGĐ Sở Xây dựng Đồng Nai cho rằng, việc sử dụng loại VLXD không nung trong xây dựng trên địa bàn tỉnh thời điểm này vẫn còn hạn chế.
Chỉ các công trình có vốn ngân sách mới sử dụng loại vật liệu này. Điển hình là công trình Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai mới, Văn phòng Sở Xây dựng và một số công trình khác. Theo quy định, các công trình xây dựng sử dụng vốn ngân sách từ năm 2014 trở đi, đặc biệt là xây dựng trường học, bệnh viện sẽ phải sử dụng tối thiểu 30% loại vật liệu không nung để xây dựng. Tuy nhiên, để loại vật liệu này phát triển tốt hơn trong thời gian tới, cần phải có sự hỗ trợ tích cực hơn từ phía cơ quan quản lý Nhà nước, cụ thể như tạo điều kiện về mặt bằng cho các nhà SX, nguồn vốn ưu đãi…
Theo Vụ trưởng Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) Lê Văn Tới, các nhà máy VLKN ra đời vào lúc kinh tế nước ta bị ảnh hưởng của suy thoái, đầu tư công bị cắt giảm, thị trường bất động sản trầm lắng; nhận thức của các nhà đầu tư, tư vấn thiết kế, nhà thầu, người tiêu dùng về sản phẩm VLKN còn chưa đầy đủ.
Việc thay đổi thói quen sử dụng gạch đất sét nung truyền thống của người dân cũng không dễ thực hiện trong một sớm, một chiều. Hơn nữa, tình hình xóa bỏ các lò gạch thủ công, thủ công cải tiến nhằm hạn chế dần loại vật liệu nung truyền thống tại các địa phương còn chậm, dẫn đến sản lượng gạch đỏ còn nhiều. Một trở ngại khá lớn khiến việc phổ biến vật liệu không nung gặp khó là kỹ thuật thi công VLKN, chủ yếu là gạch không nung, nhất là gạch bê tông khí chưng áp (ACC), đòi hỏi quy trình phức tạp hơn rất nhiều so với gạch nung truyền thống.
Anh Lý Văn Minh, một thợ hồ với gần 15 năm trong nghề ở TP Biên Hòa chia sẻ: “Gạch không nung thật sự rất khó xây, nhất là với những người thợ tay ngang thì càng khó hơn. Vì hai biên viên gạch có diện tích nhỏ nên việc xây trát vữa đòi hỏi phải chỉnh chu. Riêng đối với gạch ACC thì lại càng không khác gì sự đánh đố. Muốn thao tác thuần thục, ngoài kỹ thuật, người thợ phải có đầy đủ các thiết bị và dụng cụ chuyên dụng”.
Như vậy, để chinh phục thị trường và được người tiêu dùng đón nhận, còn rất nhiều việc phải làm đối với VLKN. Bởi ngay cả rất nhiều thợ hồ, thậm chí nhà thầu cũng chưa hình dung hết sự phong phú của chủng loại VLKN; dụng cụ thi công và những cách thức thi công khác nhau khi sử dụng VLKN. Hơn nữa, hiện các chính sách đỡ đầu cho loại vật liệu này vẫn còn khá mỏng.
Do đó, cần có nhiều hơn các chính sách hỗ trợ cho VLKN như quy định chi tiết hơn nữa về sử dụng gạch không nung trong các công trình xây dựng; chính sách tuyên truyền về lợi ích khi dùng VLKN; làm thế nào để hạ giá sản phẩm nhằm thu hút người tiêu dùng… Có như vậy, lộ trình “khai tử” gạch nung và thay bằng VLKN mới đạt hiệu quả….
Theo ông Lê Văn Tới, để SX 1 tỷ viên gạch đất sét nung theo kích thước tiêu chuẩn sẽ tiêu tốn khoảng 1,5 triệu m3 đất sét, tương đương 75 ha đất nông nghiệp và 150.000 tấn than, đồng thời thải ra khoảng 0,57 triệu tấn khí CO2, gây hiệu ứng nhà kính và các khí thải độc hại khác gây ô nhiễm môi trường. Chúng ta đang SX và tiêu thụ khoảng 24 tỷ viên/năm và tăng lên hơn 40 tỷ viên vào năm 2020 thì sẽ tiêu tốn khoảng 60 triệu m3 đất sét, tương đương 3.000 ha đất nông nghiệp, 6 triệu tấn than, đồng thời thải ra khoảng 23 triệu tấn khí CO2 và phải tốn một diện tích rất lớn để chứa tro xỉ thải ra. Để khắc phục tình trạng này, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Phát triển VLKN với mục tiêu: Năm 2020, VLKN chiếm tỷ lệ 30 – 40%. |
Leave a Reply